Theo Bộ Y tế, hiện nước ta có gần 7 triệu người bị suy thận, trong đó gần 20% đã chuyển sang giai đoạn cuối, hơn 1.000 trường hợp ghép thận trong nước và hàng trăm trường hợp “lén lút” mua thận ra nước ngoài ghép. Tuy nhiên, ghép thận chỉ là lựa chọn kiểu “còn nước còn tát”, trong khi theo các chuyên gia thận - niệu, việc chủ động phòng ngừa mới là quan trọng.
Quá tải chạy thận nhân tạo
Với chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối từ hơn 2 năm qua, bà N.T.P. (60 tuổi, ngụ quận 2) trở thành “khách hàng thân thiết” của Bệnh viện Quận 2 (TPHCM). Mỗi tuần, bà P. đều đặn 2 lần đến bệnh viện để được vô hóa chất lọc máu chạy thận nhân tạo. Từ một phụ nữ tần tảo bán hàng ở chợ đầu mối quận Thủ Đức, ít khi đau ốm và gần như không chú ý đến khám bệnh định kỳ, nhưng bỗng một ngày hoa mắt, đột ngột ngất xỉu, bà P. đến bệnh viện khám thì phát hiện huyết áp cao, thận suy nặng. “Bỏ ăn bỏ làm, sức khỏe sa sút. Bây giờ chỉ mỗi loanh quanh ở nhà và đến ngày lại vô bệnh viện”, bà P. than thở…
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, dù khoa chạy thận nhân tạo mới triển khai được 2 năm nay với 15 máy nhưng đã quá tải, có khi phải chạy 3 ca/ngày mới giải quyết hết bệnh nhân. Trong khi đó, với thâm niên hình thành nhiều năm qua, đơn vị thận nhân tạo của các bệnh viện Gia Định, 115 hay Bệnh viện Chợ Rẫy đã quá tải nghiêm trọng. Số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại các bệnh viện cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa chạy thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của bệnh viện phục vụ cho gần 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối. Thậm chí để đáp ứng điều trị, bệnh viện phải chia ra 4 ca để chạy thận nhân tạo, mỗi ca từ 3 - 4 tiếng đồng hồ.
Nếu như cách đây 10 năm, TPHCM chỉ có khoảng vài ba chục máy chạy thận nhân tạo phục vụ vài trăm bệnh nhân bị suy thận mạn, thì đến nay toàn thành phố đã có tới gần 1.000 máy và số bệnh nhân cũng đã lên con số nhiều ngàn người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân thực tế còn cao hơn nhiều và có xu hướng ngày càng tăng. Hiện các kỹ thuật điều trị suy thận mạn cũng được áp dụng tích cực, nhưng xem ra chỉ vẫn là giải pháp hỗ trợ bệnh nhân sống chung với… bệnh.
Cần sớm phòng ngừa
Theo các bác sĩ chuyên khoa Thận - Niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - Thận học TPHCM, nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính.
Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số bệnh viện cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mạn. Theo BS Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Thận - Niệu Bệnh viện Nhân dân 115, phương pháp này khá thích hợp cho suy thận mạn giai đoạn đầu. Phương pháp tối ưu được các chuyên gia y tế khuyến nghị cho điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn là ghép thận. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là không có nguồn thận.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế nhìn nhận công tác dự phòng có vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc suy thận mạn cũng như kéo dài sự sống khi mắc phải. Các chuyên gia thận - niệu khuyến cáo một số dấu hiệu của suy thận mạn là: tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm); giảm đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu (hiếm gặp); nước tiểu đục hoặc màu trà… cần được thăm khám. Bên cạnh đó có các triệu chứng khác không được rõ ràng, nhưng có thể cũng là kết quả trực tiếp của tình trạng thận không có khả năng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể như: sưng húp hai bên mắt, phù nề tay, chân, huyết áp cao, mệt mỏi, khó thở, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và nôn (đây là một triệu chứng phổ biến), khát, hôi miệng hoặc hơi thở, giảm cân, ngứa, co giật cơ hoặc chuột rút, da màu vàng nâu…
0 nhận xét: