Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

THẬN ĐA NANG - TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

THẬN ĐA NANG:


Đây là một căn bệnh di truyền, biểu hiện là có nhiều nang chứa dịch xâm lấn cả vỏ thận lẫn tủy thận. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị thận đa nang. Tuy nhiên, nếu hiểu biết về bệnh thận và biết cách đề phòng biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể sống an toàn tới 70-75 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ. Để chuẩn đoán xác định bệnh thường phải xem tính chất gia đình, hoặc khi người bệnh có thể cảm thấy hoặc hoặc sờ thấy ở cả 2 bên vùng hạ sườn - thắt lưng có khối u.

TRIỆU CHỨNG THẬN ĐA NANG

Đau: cảm giác đau thường âm ỉ nhưng cũng có khi dữ dội, đau lan ra trước bụng và lên ngực.
Tiểu ra máu: do nang bị vỡ hoặc do có sỏi thận kèm theo.
Tăng huyết áp: do các động mạch trong thận bị chèn ép.
Viêm đường tiết niệu: thường là viêm bể thận và thận, rất nặng.
Suy thận ở các mức độ khác nhau.
Có sỏi uric do tổn thương biểu mô ống thận, làm giảm hấp thu axit uric.




PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THẬN ĐA NANG



Phương pháp chủ yếu chữa thận đa nang là điều trị nội khoa đề phòng biến chứng, cụ thể là:
- Theo dõi diễn biến của bệnh một cách kịp thời.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, không bia rượu, không thuốc lá, ít thịt, giảm mỡ và tăng cường hoa quả.
- Tránh lao động quá nặng nhọc: đặc biệt phải đề phòng tai nạn va đập mạnh vào vùng thận.
- Làm hạ huyết áp.
- Điều trị sỏi uric bằng cách hạn chế muối.
- Đề phòng nhiểm khuẩn niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm.
- Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu...
- Người mắc bệnh thận đa nang chỉ được chỉ định mổ khi sỏi làm tắc đường tiết niệu hoặc nang bị nhiễm khuẩn, chảy máu không khống chế được. Với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Trong trường hợp bệnh nhân có tiểu ra máu là đã có biến chứng do vỡ nang thông vào đường tiểu. Cần điều trị thuốc cầm máu trước, nếu không có kết quả cần phẫu thuật cầm máu:
+ Khi nang nhỏ, không biến chứng thì chưa cần can thiệp, cần theo dõi định kì.
+ Khi nang lớn, không biến chứng, điều trị nội khoa không ổn thì cần can thiệp phẫu thuật cắt nang gây ra biến chứng (vì có hàng trăm nang trong thận không thể cắt hết được)
+ Khi có suy thận giai đoạn cuối thì chỉ định chạy thận nhân tạo và chuẩn bị ghép thận.
+ Người cho và người nhận thận phải được xét nghiệm xem có phù hợp về mặt mô học hay không.
+ Bệnh thận đa nang nên theo dõi và điều trị ở những bệnh viện có trang bị thận nhân tạo và có khả năng ghép thận.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Sỏi thận dễ dẫn đến suy thận

Sỏi thận là bệnh thường gặp, không khó chữa và ít nguy hiểm tuy nhiên sỏi thận lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận - căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể và tính mạng bệnh nhân, suy thận giai đoạn cuối bệnh nhân thậm chí phải chạy thận nhân tạo để duy trì cuộc sống. Vì vậy, khi bị sỏi thận bệnh nhân phải hết sức lưu ý để bệnh không gây ra biến chứng suy thận.

1.Tại sao sỏi thận lại gây ra suy thận

Sỏi thận hình thành là do sự tăng quá mức nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat, natri, cystine hay phốt pho. Những chất này lắng đọng trong đài, bể thận và kết thành sỏi. Những viên nhỏ có thể tự ra ngoài theo nước tiểu mà không gây triệu chứng gì. Những viên lớn hơn có thể vẫn di chuyển được theo dòng nước tiểu nhưng gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu, hay mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản, gây viêm tắc niệu quản, bí tiểu. Những viên có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn rất dễ làm tổn thương thận là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái dắt, đái đục. Khi sỏi xuất hiện ở hai bên thận kết hợp với đường tiểu bị viêm nhiễm nặng sẽ khiến chức năng thận bị suy giảm và dẫn đến suy thận.

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra, và kéo theo sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc - môn do thận sinh ra. Suy thận ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bệnh nhân như: gây ra các bệnh cao huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, viêm loét dạ dày, giảm sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, gây vô sinh, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, khi khả năng lọc của thận chỉ còn từ 5 - 10% thì thận đi vào giai đoạn cuối và cần phải lọc thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì cuộc sống.


2.Làm sao để tránh suy thận khi bị sỏi thận

Để tránh bị biến chứng suy thận thì việc điều trị sớm, nhanh chóng, dứt điểm và đặc biệt phục hồi chức năng thận là rất quan trọng. Ngoài ra, sỏi thận còn hay bị tái đi tái lại nhiều lần mà mỗi lần bệnh tái phát thì nguy cơ bị suy thận lại tăng lên vì vậy trong điều trị cũng cần lưu ý đến việc phòng tránh tái phát bệnh.

Để đảm bảo các tiêu chuẩn điều trị trên thì trong các thuốc điều trị sỏi thận hiện nay có thuốc cốm Sirnakarang là đạt hiệu quả cao trong điều trị nhanh, dứt điểm, phòng ngừa tái phát và giúp phục hồi chức năng thận. Thuốc cốm Sirnakarang chứa cao Kim Tiền Thảo có tác dụng làm ngưng sự gia tăng kích thước của hòn sỏi, đồng thời nhanh chóng bào mòn sỏi theo cơ chế “nước chảy đá mòn”. Không những thế, Sirnakarang còn có tác dụng pha loãng dòng nước tiểu, lợi tiểu giúp tống nhanh viên sỏi ra ngoài. Vì vậy Sirnakarang điều trị khỏi bệnh sỏi thận một cách nhanh chóng.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Ai không được dùng kháng sinh Azithromycin

Azithromycin được sử dụng để điều trị nhiều loại khác nhau của các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, như nhiễm trùng đường hô hấp (thể nhẹ và vừa), nhiễm trùng da, tai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi mắc tại cộng đồng. Ngoài ra, azithromycin đã từng được chỉ định để điều trị lỵ do nhiễm Shigella, nhiễm Helicobacter pylori trong loét dạ dày tá tràng...Azithromycin có thể uống (dạng viên nang, bột pha hỗn dịch) hoặc pha dịch truyền tĩnh mạch (không được tiêm thẳng vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp). Ngoài ra, thuốc còn có dạng dung dịch dùng để nhỏ mắt (trị nhiễm khuẩn mắt).
Khi dùng các tác dụng không mong muốn hay gặp nhất là trên đường tiêu hóa với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, co cứng cơ bụng, đầy hơi, tiêu chảy, nhưng thường nhẹ. Đôi khi người bệnh có thể bị mệt mỏi, phát ban, đau đầu và chóng mặt, ngủ gà... Sử dụng lâu dài ở liều cao, azithromycin có thể làm giảm sức nghe (nhưng có hồi phục) ở một số người bệnh. Đối với phản ứng dị ứng nặng cần đề phòng như phản ứng phản vệ, phù (vì đây là dị ứng thuốc nguy hiểm). Đa số các tác dụng phụ xảy ra khi dùng thuốc đều nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục sau khi ngừng thuốc. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm xảy ra, nhưng nếu xảy ra cần được xử lý kịp thời.
Hình minh họa
Không nên sử dụng kháng sinh này trị nhiễm khuẩn cho người đã từng có vấn đề về gan (vàng da) do dùng azithromycin, người đã bị dị ứng với thuốc này hoặc với bất kỳ kháng sinh nào thuộc nhóm macrolid (như erythromycin, clarithromycin...). Azithromycin uống không được dùng để điều trị ngoại trú viêm phổi vừa và nặng hoặc người bệnh do bị nhiễm khuẩn tại bệnh viện, suy giảm miễn dịch (những trường hợp này phải điều trị tại bệnh viện). Do azithromycin đào thải chủ yếu qua gan nên cần được dùng thận trọng ở người có chức năng gan bị tổn thương. Một số nghiên cứu lâm sàng gần đây còn cho thấy, azithromycin có liên quan tới nguy cơ tử vong và rối loạn nhịp tim nghiêm trọng khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài. Vì vậy, cần thận trọng cân nhắc khi sử dụng azithromycin, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc cho người bệnh đã có bệnh tim. Người lớn tuổi có thể có nhiều khả năng có tác dụng phụ trên nhịp tim, trong đó có tỷ lệ tim nhanh đe dọa tính mạng.
Để dùng thuốc an toàn, cần tuân thủ liều lượng (trên từng bệnh nhân và từng loại bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định liều lượng cụ thể), thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi liều dùng (thêm hay bớt liều) hoặc dùng thời gian lâu hơn so với khuyến cáo. Không nên dùng các thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc magiê trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng azithromycin (như maalox, magnesia...) vì các thuốc này có thể làm cho azithromycin ít hiệu quả khi thực hiện cùng một lúc. Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dùng thuốc vì azithromycin có thể làm cho bị cháy nắng một cách dễ dàng hơn.
DS. Hoàng Thu


Không nên cắt bao quy đầu cho trẻ, vì sao?


Một số nhà ngoại khoa còn cho rằng bao quy đầu là nguồn dự trữ da rất tốt của cơ thể để dự phòng hay thay thế những phần da khác khi không may bị mất một mảng da nào đó trên cơ thể.
Cắt bao quy đầu thường quy cho trẻ em vừa mới sinh có xu hướng ngày càng giảm dần, việc cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh ở Mỹ đã giảm xuống từ mức 90% trong thập niên 50 của thế kỷ trước xuống còn khoảng 65% hiện nay.
Ở Anh thì có tới 20% trẻ cắt bao quy đầu ở những năm 1950 nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 6% ở năm 1975.
Chứng kiến những đứa bé vừa mới sinh ra đã phải chịu đựng việc đau đớn, nhiều người cảm thấy đó là việc không nên làm đối với đứa bé và điều đó càng không đáng để làm hơn khi mà có quá nhiều đứa trẻ nếu không cắt bao quy đầu thì sau này chúng lớn lên cũng sẽ tự lộn ra được.
Do đó ở Mỹ và nhiều nước phương Tây đang có nhiều phong trào phản đối rất mạnh việc cắt bao quy đầu thường quy cho các bé trai.Quan điểm của họ về việc không nên cắt là:
- Để cho cơ quan sinh dục của trẻ phát triển tự nhiên (trời sinh thế nào thì cứ để như thế).
- Bao quy đầu có tính chất bảo vệ: Nó che chở quy đầu tránh những sang chấn, cũng như giúp bảo tồn được sự nhạy cảm của da quy đầu, giúp cho da quy đầu hồng hào hơn. Cắt bao quy đầu dễ làm cho da quy đầu chai sạn, bớt hồng hào và lỗ sáo bị cọ xát thường xuyên có thể gây hẹp lỗ tiểu.
- Đau đớn: Đối với người lớn, có người còn không chịu nổi sự đau đớn khi bị cắt chứ chưa nói đến những đứa bé. Sự đau đớn này không chỉ kéo dài từ lúc bị cắt cho tới khi liền sẹo, thông thường mất khoảng 2-3 tuần sau. Lúc đó quy đầu mới quen dần với cảm giác không được che chở.
- Nguy cơ chảy máu khi cắt, nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm trùng xảy ra ở giai đoạn đầu đời của đứa bé rất nguy hiểm.
- Tốn tiền (chi phí cho việc cắt này có những nơi người ta lấy giá đến cả 5-7 triệu đồng)
- Hơn nữa, việc cắt bao quy đầu vẫn chưa có nhiều bằng chứng thật sự thuyết phục chứng tỏ rằng để làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu dưới.
- Tranh cãi trong việc cắt bao quy đầu làm tăng khả năng tình dục cũng chưa ngã ngũ. Cũng như chưa có bằng chứng thuyết phục về việc cắt bao quy đầu làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV.
- Một số nhà ngoại khoa còn cho rằng bao quy đầu là nguồn dự trữ da rất tốt của cơ thể để dự phòng hay thay thế những phần da khác khi không may bị mất một mảng da nào đó trên cơ thể.
- Ngoài ra, da bao quy đầu còn là nguyên liệu rất tốt cho việc tạo hình ống đái ở những trẻ bị tật lỗ đái thấp hoặc cao. Hiển nhiên cắt bao quy đầu sẽ không còn nguồn dự trự nữa.
Ở Việt Nam chưa có thông lệ cắt bao quy đầu cho em bé vừa mới ra đời, mà thông thường chỉ cắt bao quy đầu cho trẻ em hay người lớn khi bao quy đầu này gây ra nhiều phiền phức cho sức khỏe của họ (tức cắt bao quy đầu theo chỉ định của y tế). Do đó nếu bậc cha mẹ nào muốn cắt bao quy đầu cho em bé ngay vừa mới sinh ra cũng rất khó được đáp ứng.
Bác sỹ nam khoa Nguyễn Bá Hưng
(Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec)


Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Phụ nữ có thai có dùng được Berberin?

Nhiều người quan niệm rằng berberin là thuốc thảo dược từ thiên nhiên nên không độc, không có tác dụng phụ gì và dùng được cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì lại không nên dùng thuốc này vì nó có thể gây co bóp tử cung làm ảnh hưởng tới thai nhi.
Từ lâu, berberin đã được biết đến như một thuốc vừa rẻ, vừa an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Berberin có vai trò như một kháng sinh thực vật, vừa diệt khuẩn tốt lại không gây ra loạn khuẩn ruột như hầu hết các kháng sinh khác.
Berberin là hoạt chất được chiết từ cây hoàng đằng (còn có tên vàng đắng, hoàng liên), tên khoa học là Coptis teet..., là loại cây dây leo thân gỗ có phân nhánh, mọc hoang ở nhiều nơi. Trong hoàng đằng có nhiều alcaloid dẫn xuất của izoquinolein, chủ yếu là berberin tỷ lệ từ 1,5 - 3%. Các tác dụng chủ yếu của berberin là chống tiêu chảy do vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh mắt hột. Ngoài ra, berberin cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và còn có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli - loại vi khuẩn sinh ngoại độc tố bền với nhiệt.
Berberin rất lành tính, rất hiếm gặp trường hợp dùng mà bị dị ứng. Tuy nhiên, đối với những người quá mẫn cảm với thuốc và phụ nữ có thai thì không nên dùng vì berberin có khả năng gây kích thích co bóp tử cung.
BS. Bảo Thư


Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Ai không được dùng thuốc Aspirin?

Chỉ có bác sĩ chuyên khoa sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro (nguy cơ) có thể xảy ra khi sử dụng mới là người quyết định việc sử dụng thường xuyên aspirin ngăn chặn cơn đau tim hoặc đột quỵ trong trường hợp cụ thể của bạn. Vì aspirin chỉ có thể ngăn chặn những vấn đề này ở một số người chứ không phải tất cả mọi người.
Tác dụng của aspirin
Aspirin là một thuốc có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu. Aspirin được chỉ định để giảm các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt. Vì có tỷ lệ cao về tác dụng phụ đến đường tiêu hóa nên aspirin hay được thay thế bằng paracetamol (dung nạp tốt hơn). Aspirin cũng được sử dụng trong chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp. Nhờ tác dụng chống kết tập tiểu cầu, aspirin được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và dự phòng biến chứng tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao. Thuốc cũng được sử dụng trong điều trị và dự phòng một số bệnh lý mạch não như đột quỵ. Aspirin được chỉ định trong điều trị hội chứng Kawasaki vì có tác dụng chống viêm, hạ sốt và chống huyết khối.
Những người không dùng được aspirin
Do nguy cơ dị ứng chéo, không dùng aspirin cho người đã có triệu chứng hen, viêm mũi hoặc mày đay khi dùng aspirin hoặc những thuốc chống viêm không steroid khác trước đây. Người có tiền sử bệnh hen không được dùng aspirin, do nguy cơ gây hen thông qua tương tác với cân bằng prostaglandin và thromboxan. 
Đối với người mang thai, aspirin ức chế cyclooxygenase và sự sản sinh prostaglandin làm ảnh hưởng đến sự đóng ống động mạch của thai nhi. Aspirin còn ức chế co bóp tử cung, do đó gây trì hoãn chuyển dạ. Tác dụng ức chế sản sinh prostaglandin có thể dẫn đến đóng sớm ống động mạch trong tử cung, với nguy cơ nghiêm trọng tăng huyết áp động mạch phổi và suy hô hấp sơ sinh. Nguy cơ chảy máu tăng lên ở cả mẹ và thai nhi, vì aspirin ức chế kết tập tiểu cầu ở mẹ và thai nhi. Do đó, không được dùng aspirin trong 3 tháng cuối cùng của thời kỳ mang thai.
Ở trẻ em, khi dùng aspirin đã gây ra một số trường hợp hội chứng Reye, vì vậy cần hạn chế chỉ định aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi chỉ trừ một số trường hợp như bệnh Kawasaki, viêm khớp dạng thấp thiếu niên. 
Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm độc aspirin, có khả năng do giảm chức năng thận (cần phải dùng liều thấp hơn liều thông thường dùng cho người lớn).
Những tác dụng không mong muốn của aspirin đã từng được biết đến, phổ biến nhất liên quan đến hệ tiêu hóa, thần kinh, cầm máu và tần suất gặp các tác dụng phụ này lại phụ thuộc vào liều dùng. Thường gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột (trên hệ tiêu hóa), mệt mỏi, nổi ban, mày đay, yếu cơ, khó thở, sốc phản vệ...
Các phản ứng phụ trên hệ thần kinh trung ương như mệt mỏi có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng nếu có các triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực hoặc thương tổn gan, cần phải ngừng thuốc. 
Ở người cao tuổi, nên điều trị với liều aspirin thấp nhất có hiệu lực và trong thời gian ngắn nhất có thể được.
Lưu ý khi dùng phòng đau tim, đột quỵ
Đối với tác dụng giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ gây ra bởi cục máu đông, các nhà nghiên cứu cho biết, tác dụng này cũng chỉ trên một số người, đặc biệt những người đã có một cơn đau tim hoặc đột quỵ trước đó hoặc có bệnh về mạch máu ở tim mà không có tác dụng ngăn ngừa đối với những người có trái tim khỏe mạnh và mạch máu bình thường. Vì vậy, không sử dụng aspirin để phòng đau tim hoặc đột quỵ ở những người khỏe mạnh.
Đối với người bệnh thuộc phạm vi chỉ định sử dụng aspirin để dự phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ thì việc dùng thuốc cũng không đơn giản bởi chính tác dụng làm loãng máu ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ liên quan đến cục máu đông nhưng lại là tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, nguy cơ gây xuất huyết não hoặc chảy máu dạ dày cho người dùng. Vì vậy, đối với người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận, đặc biệt người có tốc độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút và xơ gan không được dùng aspirin.
Cần thận trọng khi điều trị đồng thời với thuốc chống đông máu như warfarin hoặc khi có nguy cơ chảy máu khác. Không kết hợp aspirin với các thuốc kháng viêm không steroid và các glucocorticoid. Khi điều trị cho người bị suy tim nhẹ, bệnh thận hoặc bệnh gan, đặc biệt khi dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu, cần quan tâm xem xét cẩn thận nguy cơ giữ nước và nguy cơ giảm chức năng thận. Vì vậy, để ngăn ngừa các tác dụng phụ không mong muốn và tránh các tương tác bất lợi xảy ra giữa các thuốc điều trị đồng thời, người bệnh cần nói với bác sĩ về những thuốc mình đang dùng, thậm chí là các vitamin trước khi dùng aspirin hàng ngày. Bác sĩ sẽ quyết định xem những lợi ích của uống aspirin hàng ngày lớn hơn những rủi ro trong trường hợp cụ thể của bạn và có thể cung cấp kiến thức y khoa và hướng dẫn để giúp ngăn ngừa các bất lợi có thể xảy ra khi dùng thuốc.
Đối với người bệnh, trước khi dùng aspirin hàng ngày để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ liên quan đến cục máu đông, hãy đọc kỹ nhãn thuốc và hướng dẫn sử dụng để chắc chắn rằng bạn được dùng đúng sản phẩm. Không dùng các thuốc phối hợp aspirin với thuốc giảm đau khác hoặc các thành phần khác để sử dụng trong trường hợp này.